A. Các khoáng chất cần thiết cho răng:
Chất vôi (Calcium): Chất vôi có nhiều ở sữa, trứng, hải sản, sò, ốc, là chất khoáng rất cần cho răng, nhất là trong thời kỳ bà mẹ mang thai và cho con bú. Calcium được hấp thu lúc còn là mầm răng và lúc răng chưa mọc lên khỏi xương hàm. Khi răng đã mọc rồi thì không hấp thu thêm chất vôi nữa. Vì vậy chăm sóc răng cho bé tức là phải chăm sóc cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai.
Mầm răng sữa ở những tuần lễ đầu tiên của thai nhi đã hình thành và dần dần ngấm vôi, đến khi bé mới sinh ra tuy chưa thấy răng nhưng tất cả các răng sữa đã tượng hình đầy đủ dưới xương hàm chỉ chờ mọc lên vào tháng thứ 6. Thời gian mọc răng sữa kéo dài từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 24. Răng của bé mọc nhanh hay chậm cũng một phần do sự hấp thu chất vôi tạo thành ngà và men răng. Nhanh hay chậm cộng trừ 6 tháng là bình thường, răng của bé mọc trễ không phải là yếu, và bé mọc răng sớm cũng không hẳn là tốt. Răng tốt là răng có sự vôi hóa đầy đủ, khi còn là mầm răng nếu cơ thể của bé được cung cấp đầy đủ chất vôi thì khi răng mọc lên sẽ vững chắc và ít bị sâu răng. Để hấp thu được calcium cơ thể của trẻ rất cần vitamin D và phosphore, vì tỷ lệ Ca/P= 1 thì chất vôi mới được cơ thể hấp thu
Vì vậy nếu răng của bé mọc quá sớm trong khi mầm răng chưa hoàn tất vôi hóa thì không tốt bằng răng mọc chậm mà có sự vôi hóa tốt.
Đối với người lớn, khi răng đã sâu, đã bị mẽ ,vỡ thì ngà răng không tái tạo được và cũng không hấp thu thêm chất vôi để làm răng cứng chắc hơn.
Ngoài calcium ra, magnesium và phosphate cũng là các khoáng chất rất cần thiết với tỷ lệ cân bằng và để cho chất vôi được hấp thu tốt.
- Fluor (Fluoride): Chất fluor rất cần thiết để cho men răng cứng chắc. Fluor dùng để ngừa sâu răng, tuy nhiên nồng độ fluor có trong nước không được quá 1ppm (1 phần triệu trong 1 lít nước). Hiện nay TP HCM đang vẫn còn thực hiện chương trình fluor hóa nước (water fluoridation) và nồng độ fluor châm vào nguồn nước máy của TP.HỒ CHÍ MINH là 0,5ppm (0,5mg/1 lit nước). Nhờ chương trình fluor hóa nước mà tỷ lệ sâu răng ở trẻ em 12t-15t đã giảm rất nhiều.
- Fluor kết hợp với chất vôi của men răng thành fluoro-apatite cứng hơn men răng bình thường, do đó chống được sự soi mòn của axít làm giảm được sâu răng.
- Chất sắt (Fe): Chất sắt rất cần thiết cho hồng cầu và mô mềm trong miệng, nếu thiếu chất sắt niêm mạc lưỡi sẽ sưng phồng, màu sắc của niêm mạc vùng miệng nhợt nhạt vì thiếu màu hồng tự nhiên của hồng cầu. Chất sắt có nhiều trong thịt bò, sữa, gan, thận…
B. Các sinh tố cần thiết vùng răng miệng:
Sinh tố là những chất vi lượng, chỉ cần một lượng rất nhỏ để xúc tác vào quá trình biến dưỡng của cơ thể. Sinh tố có trong thức ăn tự nhiên thì dễ được cơ thể hấp thu hơn là các sinh tố được tổng hợp từ dược phẩm. Do đó nếu chúng ta ăn uống với đầy đủ các loại thực phẩm và trái cây thì cũng đủ đảm bảo cho nhu cầu về sinh tố và khoáng chất của cơ thể. Tuy nhiên trong trường hợp có bệnh do thiếu sinh tố thì nên dùng thuốc để bổ sung các sinh tố còn thiếu
Sinh tố C: Cần cho sự vững chắc của các mô nâng đỡ răng, nướu răng nếu thiếu sinh tố C sẽ dễ bị sưng và chảy máu (Bệnh scorbut), nhu cầu của sinh tố C hàng ngày khoảng 150mg. Sinh tố C là sinh tố tan trong nước, có nhiều trong trái cây (Như cam, quít, bưởi, chanh,dâu tây, rau cải), được cơ thể hấp thu và sử dụng ngay nhưng không có dự trử. Sinh tố C rất dễ bị nhiệt phá huỷ (Trên 50 0 C), vì vậy thức ăn đã nấu chín và đồ hộp không có sinh tố C. Sinh tố C là chất chống oxy hóa tốt nhất có khả năng tăng cường hệ miễn dịch của răng miệng chống lại viêm nướu và bệnh nha chu
Sinh tố A, D, E: là các sinh tố tan trong dầu , sinh tố A tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, sinh tố A có nhiều trong gan (gan cá thu, cá mập, hải cẩu…), thịt, sữa, lòng đỏ trứng. Thiếu sinh tố A sẽ làm miệng khô, làm bệnh nha chu nặng hơn, răng lung lay nhiều. Ở trẻ con thiếu sinh tố A sẽ bị ốm còi, xương yếu và răng chậm mọc.
Sinh tố D được hấp thu cùng chất vôi, cần thiết cho xương và răng được rắn chắc. Nếu thiếu sinh tố D thì chất vôi cũng không được hấp thu. Sinh tố D có nhiều trong thịt, sữa, trứng , dầu cá. Sinh tố D cón được da trên cơ thể tự tạo ra khi có anh nắng mặt trời chiếu vào, Vì vậy mà trẻ em ở vùng ôn đới, nắng ít thường bị bệnh còi xương nhiều hơn trẻ em vùng nhiệt đới có nắng nhiều.
Sinh tố E cần thiết cho mầm răng, giúp cho sự tăng trưởng ở trẻ em, làm cho hệ sinh dục phát triển tốt, sinh tố E chống lão hoá và tăng sức đề kháng chống lại bệnh nha chu viêm. Sinh tố E có nhiều ở trứng, sữa, mầm ngủ cốc, giá đậu xanh, rau cải.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét